Ngay từ vòng đầu tiên, Ngoại hạng Anh đã phân cực rất rõ ràng. Ở đó, các ứng viên sáng giá nhất cho chức vô địch đều đi theo trường phái tấn công. Riêng MU thì không.
Liverpool đang ngự trị trên đỉnh bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh. Màn “thảm sát” West Ham tới 4 bàn ở Anfield tiếp tục thể hiện phong cách của nhà á quân Champions League dưới thời HLV Jurgen Klopp: Tấn công tận hiến mang thương hiệu Gergen-pressing giàu tốc độ và tính đột biến. Nếu chắt chiu hết 18 cú sút của mình, Liverpool sẽ còn thắng đậm hơn thế.
Liverpool của Klopp tấn công tận hiến
Người ta đã nói rất nhiều đến cái gọi là “Sarri-ball”. Nhà cầm quân người Italia, với vẻ khinh bạc cùng điếu thuốc trên tay, là biểu trưng cho một cái gì đó khác lạ đến từ bên ven bờ biển Địa Trung Hải. Sở dĩ HLV Maurizio Sarri được lựa chọn cho chiếc ghế nóng tại Stamford Bridge là bởi ông tôn thờ bóng đá tấn công, có cùng tư tưởng với ông chủ Roman Abramovich.
Kết quả đầu tay thu về với Chelsea là chiến thắng 3-0 tương đối thuyết phục trên sân Huddersfield trong ngày khai màn. Và đó cũng là thông điệp đanh thép của Chelsea đối với phần còn lại: Người Tây London tham vọng đã trở lại, sẵn sàng cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ trong cuộc đua Ngoại hạng Anh.
Trận đại chiến giữa Arsenal và Man City cũng là nơi tôn vinh bóng đá tấn công. Dĩ nhiên, Pep Guardiola bị ám ảnh về thứ bóng đá tấn công vừa đẹp mắt, vừa hiệu quả. Thậm chí, nhà cầm quân 47 tuổi này còn theo đuổi triết lý của riêng mình. Nó không chỉ là tấn công, mà Pep còn muốn nâng tầm, giống như cái cách ông nâng tầm tiki-taka trong những năm tháng dẫn dắt Barcelona.
Sức kháng cự của Arsenal trước Man City tương đối yếu ớt. Tuy nhiên, Unai Emery cũng là một tín đồ của bóng đá tấn công. Từ Sevilla đến PSG, nhà cầm quân đồng hương với Pep cũng xây dựng được một lối chơi khoáng đạt, giàu tính giải trí. Chỉ tiếc rằng khoảng thời gian nhậm chức tại Arsenal chưa đủ dài và nhân sự HLV Emery đang có là chưa đủ để triết lý của ông được vận hành trơn tru.
Cả Pep Guardiola và Unai Emery đều là những nhà cầm quân có thiên hướng tấn công
Tottenham và HLV Mauricio Pochettino lâu nay cũng được biết đến với lối chơi pressing toàn diện, tấn công trực diện và áp đảo đối thủ. Mùa trước, ngay cả nhà vô địch Champions League là Real Madrid cũng bị nghiền nát vụn trên sân của Spurs ở vòng đấu bảng. Cho dù Tottenham chưa thắng đậm Newcastle, nhưng màn trình diễn của đội bóng Bắc London này vẫn mang tính cống hiến và giải trí rất cao.
Như vậy, 5 trong 6 đội bóng thuộc nhóm Big Six đang đi tôn thờ trường phái tấn công, dù lối chơi và cách vận hành của mỗi đội là khác nhau. Nhưng MU của Jose Mourinho thì không. “Quỷ đỏ” như thể đang trốn trong chiếc vỏ ốc của mình, sợ thay đổi, sợ bước ra ánh sáng.
Leicester không cho thấy khả năng kháng cự ở Old Trafford. Nhưng MU cũng tấn công quá tệ. Cả trận, đội chủ nhà chỉ có 8 cú dứt điểm, cầm bóng 46%, kém hơn hẳn những vị khách (cầm bóng 54%, dứt điểm 13 lần). Dĩ nhiên là MU có bàn thắng sớm và họ có quyền chơi bóng theo cách của mình.
Nhưng đó cũng là điểm khác biệt giữa họ với những Man City, Liverpool, Tottenham, Chelsea hay Arsenal. Nếu MU có bàn dẫn trước, họ sẽ chủ động phòng ngự chặt chẽ, bóp nghẹt thế trận tấn công của đối phương. Còn với phần còn lại, giải pháp là tận dụng lợi thế tâm lý để tiếp tục tấn công, đào sâu cách biệt.